Phương pháp cho trẻ Mẫu giáo làm quen tiếng anh

Phân tích, đánh giá, các phương pháp cho trẻ Mẫu giáo làm quen tiếng Anh
I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, là công cụ không thể thiếu đối với mỗi quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế. Việc biết sử dụng tiếng Anh thành thục như ngôn ngữ thứ hai sau tiếng mẹ đẻ là một lợi thế trong việc phát triển bản thân và mang lại thành công đối với mỗi người, do vậy mà trở thành yêu cầu giáo dục quan trọng đối với nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam. 

Ở Việt Nam, việc cho trẻ làm quen tiếng Anh ngay từ bậc học mầm non hiện đang thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà giáo dục và các bậc phụ huynh. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khoa học về việc học nói của trẻ, thực tiễn thành công trong dạy và học tiếng Anh ở một số nước khu vực Đông Nam Á và kết quả triển khai thí điểm cho trẻ làm quen tiếng Anh tại một số cơ sở GDMN trong những năm vừa qua đã chỉ ra sự cần thiết, sự phù hợp và hiệu quả mang lại của việc cho trẻ được tiếp cận sớm với tiếng Anh ngay từ lứa tuổi mầm non. Việc tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh ngay từ bậc học mầm non cần được coi là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đảm bảo sự kế thừa cũng như tạo tiền đề vững chắc cho trẻ học tiếng Anh ở cấp phổ thông, góp phần đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng là xu thế phát triển chung của nền giáo dục hiện đạicũng là một phần trong mục tiêu phấn đấu của giáo dục mầm non theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Tuy nhiên, tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh là một việc không hề đơn giản. Nó đòi hỏi tính nghiêm túc, khoa học từ việc xác định độ tuổi bắt đầu, mục đích của việc học tới sự tuân thủ các điều kiện cần thiết về trình độ, năng lực ngoại ngữ, phương pháp sư phạm của giáo viên, về cơ sở vật chất, nội dung chương trình cũng như việc kiểm tra quản lý chất lượng… Phân biệt rõ mục đích làm quen tiếng Anh ở trẻ mầm non với học sinh các cấp phổ thông và tuân thủ chặt chẽ các điều kiện liên quan là góp phần quyết định đảm bảo cho sự thành công của quá trình cho trẻ làm quen tiếng Anh trong trường mầm non.

II. PHƯƠNG PHÁP CHO TRẺ LÀM QUEN TIẾNG ANH

1. Khả năng tiếp nhận ngôn ngữ thứ hai của trẻ mẫu giáo 

Sự hình thành có chất lượng, nhanh chóng và dễ dàng cùng một lúc 2 ngôn ngữ ở độ tuổi mẫu giáo được nhiều nhà khoa học công nhận. Điều đó được giải thích bằng:

– Khả năng bắt chước nhanh.

– Tính tự nhiên của các động cơ giao tiếp.

– Không có các “rào cản” ngôn ngữ (sự sợ hãi, mắc cỡ, ngại sai…).

– Đặc biệt, giai đoạn lứa tuổi khoảng từ 2,5 đến 6 tuổi là giai đoạn phát cảm về lĩnh hội ngôn ngữ. Trẻ mầm non học ngôn ngữ trong đó có ngoại ngữ rất tự nhiên. Trong 6 tháng đầu của cuộc sống, trẻ bập bẹ khoảng 70 âm, những âm này tạo ra tất cả các ngôn ngữ trên thế giới. Ở giai đoạn sau, trẻ học nói qua việc sử dụng các âm thanh và các từ mà trẻ nghe được ở môi trường xung quanh, chủ yếu là từ cha mẹ và người chăm sóc và giáo dục trẻ. Sau này não của trẻ sẽ mất khả năng đối với việc nói thứ ngôn ngữ mà trẻ không được nghe. Chính vì thế nếu trẻ được “đắm mình” vào một ngôn ngữ nào đấy và khám phá ngôn ngữ đó theo nhiều cách khác nhau như qua nghe thơ, chuyện, bài hát, qua tham gia các trò chơi, qua giao tiếp trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, thì trẻ sẽ học ngoại ngữ nhanh và dễ dàng hơn.

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc làm quen tiếng Anh của trẻ mẫu giáo

Trẻ tuổi mẫu giáo được cho là có thể tiếp thu ngôn ngữ thứ hai mà không cần quá nhiều đến sự cố gắng hay sự giảng dạy một cách có hệ thống. Tuy nhiên, để trở thành thuần thục trong một ngôn ngữ nào đấy lại rất phức tạp và đòi hỏi một quá trình kéo dài nhiều năm. Tốc độ tiếp thu ngôn ngữ bị chi phối bởi các yếu tố cả bên trong đứa trẻ và môi trường bên ngoài. Năng khiếu ngôn ngữ, hứng thú và động cơ cùng với số lượng và chất lượng đầu vào của ngoại ngữ và các cơ hội sử dụng ngôn ngữ đó sẽ ảnh hưởng đến tốc độ và sự trôi chảy ngôn ngữ của trẻ.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy lứa tuổi mẫu giáo không phải lúc nào cũng là điều kiện đủ để hình thành năng lực song ngữ một cách tự nhiên. Mặc dù ở lứa tuổi này trên thực tế có những điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thu ngôn ngữ thứ 2. Điều đó có nghĩa là việc dạy ngôn ngữ thứ 2 nếu chỉ dựa vào điều kiện thuận lợi của lứa tuổi là không hoàn toàn đúng. Việc dạy trẻ ngôn ngữ thứ 2 cần phải dựa trên cơ sở khoa học. Các cơ sở khoa học này cho phép định hướng quá trình tiếp thu ngôn ngữ và phát huy tối đa khả năng của trẻ.

2.1. Yếu tố tâm lý của trẻ

Tâm lý của trẻ là yếu tố đầu tiên có ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình làm quen, tiếp thu ngoại ngữ ở trẻ. Nếu trẻ quá lo lắng hoặc quá nhút nhát, rụt rè trong khi làm quen với ngoại ngữ thì việc tiếp thu ngoại ngữ sẽ bị cản trở. Ngược lại, khi trẻ cảm thấy thoải mái, tự tin và không lo lắng thì lúc đó trẻ sẽ tiếp thu bài học một cách hiệu quả hơn. Chính vì thế, sự tự tin của trẻ cần phải được khuyến khích trong suốt quá trình học.

2.2. Yếu tố tài liệu, chương trình 

Chương trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh cần được xây dựng phù hợp với mục tiêu và nội dung chương trình giáo dục mầm non hiện hành; phải phù hợp với khả năng tiếp thu, trình độ nhận thức của trẻ ở từng độ tuổi với lượng từ vựng, cấu trúc câu vừa đủ và ở mức độ cơ bản, đơn giản, đặt trong những chủ đề gần gũi với vốn kinh nghiệm và sự quan tâm của trẻ. Đặc biệt chú trọng đến phát triển các kỹ năng nghe – nói, tăng cường phát triển các năng lực nền tảng, các phẩm chất cần thiết và kỹ năng xã hội như: sự nhạy cảm của các giác quan, sự linh hoạt trong tư duy và nhận thức, sự tự tin trong giao tiếp và giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo, sự mạnh dạn tự tin, năng động và cởi mở, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo nền tảng ngôn ngữ và tính liên thông giúp trẻ học tốt tiếng Anh ở bậc tiểu học và thực hiện mục tiêu GDMN trong xu thế hội nhập.

2.3. Yếu tố giáo viên

Bên cạnh cha mẹ, giáo viên chính là những người chăm sóc quan trọng và có ảnh hưởng quyết định đến không khí học tập, việc kiến tạo môi trường sống của trẻ. Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc cho trẻ làm quen tiếng Anh, ngôn ngữ mà họ sử dụng chính là hình mẫu quan trọng nhất để trẻ học theo. Yếu tố quan trọng trong việc cho trẻ làm quen tiếng Anh là khả năng ngoại ngữ của giáo viên cần đạt chuẩn về mặt phát âm, ngữ âm, ngữ điệu. Bên cạnh đó, việc hiểu về đặc điểm phát triển tâm – sinh lý của trẻ, khả năng liên kết các trẻ, tạo ra không khí học tập tin tưởng và không gây sợ hãi cho trẻ, khuyến khích những ý tưởng cũng như sự tự tin, mạnh dạn cho trẻ của giáo viên đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cho trẻ làm quen tiếng Anh.

2.4. Yếu tố điều kiện cơ sở vật chất

Do học ngoại ngữ là học ngôn ngữ của một quốc gia khác, vì vậy cần phải có các phương tiện chuyển tải hình ảnh, ngôn ngữ về đất nước, con người nói thứ tiếng đó. Điều kiện cơ sở vật chất cơ bản cần có là tranh ảnh, băng, đĩa, phần mềm, máy chiếu, internet, …

Do đối tượng làm quen ngoại ngữ là trẻ em nên cần có các vật dụng, đồ dùng, đồ chơi, giáo cụ trực quan các loại để tạo tình huống và môi trường cho trẻ giao tiếp bằng ngoại ngữ. Điều kiện lý tưởng là có phòng chuyên biệt cho trẻ làm quen ngoại ngữ kết hợp với góc làm quen ngoại ngữ trong lớp học của trẻ.

2.5. Yếu tố môi trường cho trẻ làm quen với ngoại ngữ

Trẻ em tư duy cụ thể với đặc điểm dễ nhớ mau quên, do vậy cần tạo môi trường ngoại ngữ tự nhiên, tích cực xung quanh trẻ để trẻ được thường xuyên làm quen, luyện tập sử dụng/ giao tiếp bằng ngoại ngữ.

3. Phương pháp cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh

Có rất nhiều nghiên cứu về phương pháp giảng dạy ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Cả lý thuyết và thực tế đều chỉ ra rằng đối với trẻ mẫu giáo, ta không thể áp dụng các phương pháp giảng dạy ngoại ngữ như cho người lớn hay cho học sinh tiểu học mà phương pháp cho trẻ làm quen tiếng Anh cần có sự phù hợp với độ tuổi, đặc điểm phát triển tâm sinh lý và ngôn ngữ của trẻ. Các cách thức triển khai làm quen tiếng Anh cho trẻ cần tuân theo các phương pháp sư phạm mầm non mà cụ thể là phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Bên cạnh đó, phát âm chuẩn tiếng Anh và sử dụng tiếng Anh linh hoạt, phù hợp trong điều kiện tình huống cụ thể là trực quan sinh động nhất cho trẻ làm quen tiếng Anh. Những phương pháp cho trẻ làm quen tiếng Anh phổ biến và phù hợp gồm:

3.1. Phương pháp trực quan

Chúng ta giao tiếp với thế giới bên ngoài thông qua 5 giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác, và vị giác. Hơn nữa, tư duy của trẻ là kiểu tư duy trực quan, do vậy cách học với các hình ảnh trực quan sinh động sẽ giúp trẻ hứng thú và tiếp nhận tiếng Anh một cách dễ dàng, nhẹ nhàng, tự nhiên và nhanh chóng hơn. Khi tổ chức các hoạt động, giáo viên có thể sử dụng đồ dùng giáo cụ trực quan từ đơn giản (vật thật, đồ dùng, đồ chơi, tranh ảnh…) đến ngôn ngữ cơ thể (khẩu hình miệng khi phát âm, các cử chỉ, động tác cơ thể) và sự hỗ trợ của công nghệ thông tin (máy tính, màn chiếu, phần mềm phát âm có hình ảnh sinh động..) để miêu tả nghĩa của từ và dạy phát âm chuẩn ngữ âm. Âm thanh và hình ảnh tác động tốt đến trí nhớ. Sự tham gia của công nghệ cũng làm đa dạng hóa hình thức học tập, giảm nhàm chán, gây hứng thú cho trẻ, tạo môi trường sinh động khi không có người bản ngữ hay tình huống thật xảy ra.

3.2. Phương pháp truyền khẩu

Việc sử dụng phương pháp cho trẻ đắm mình trong môi trường nói tiếng Anh tự nhiên, hạn chế tối đa việc dịch nghĩa của từ mà để trẻ tự hiểu bằng khái niệm là rất hiệu quả đối với trẻ nhỏ. Cung cấp vốn từ và các mẫu câu cho trẻ thông qua việc rèn thói quen hiểu tiếng Anh bằng khái niệm sẽ giúp ích cho tư duy ngoại ngữ của trẻ. Thay vì cách học truyền thống dịch nghĩa của mọi từ mới tiếng Anh sang tiếng Việt “ngôn ngữ – ngôn ngữ”, giáo viên nên dùng cách thức “đồ vật, hình ảnh – ngôn ngữ”. Thông qua rất nhiều lần lặp lại, trẻ học tiếng Anh một cách tự nhiên do được đắm mình trong môi trường ngôn ngữ đó. Ví dụ, giáo viên có thể cầm quả chuối hoặc chỉ vào bức tranh vẽ quả chuối và nói “banana” thay vì dạy trẻ “banana có nghĩa là quả chuối”.

Trẻ mầm non chưa biết đọc và viết tiếng mẹ đẻ, cho nên bất cứ loại hình đọc – viết nào cũng là một gánh nặng cho trẻ và chắc chắn là không mang lại hiệu quả ngôn ngữ. Hãy cho trẻ hoạt động hoàn toàn bằng truyền khẩu.

3.3. Phương pháp tri giác tổng thể, đặt người học vào môi trường sử dụng ngôn ngữ mới một cách tự nhiên

Để việc làm quen tiếng Anh đạt kết quả cao, trẻ cần có nhiều cơ hội được tiếp xúc, luyện tập giao tiếp bằng tiếng Anh theo nguyên tắc tri giác đối tượng tổng thể đặt trong mối quan hệ cụ thể gắn với hoàn cảnh thực tiễn có ý nghĩa, cụ thể:

– Thường xuyên liên hệ các từ, mẫu câu với nhau và đặt chúng vào những ngữ cảnh rõ ràng, có liên quan chặt chẽ với nhau. Không dạy từ vựng và cấu trúc một cách tách bạch, rời rạc, đơn lẻ; không ngắt đoạn mối quan hệ từ – câu – hoàn cảnh giao tiếp.

– Giáo viên cần tạo dựng môi trường ngôn ngữ tích cực, kích thích và đa dạng việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh cho trẻ thông qua sử dụng đồng thời cả hai hình thức cho trẻ tiếp thu ngoại ngữ một cách chính quy (trong các hoạt động ở lớp học) và không chính quy (qua các tình huống tự nhiên trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ).

– Giáo viên cần khuyến khích động viên trẻ giao tiếp bằng tiếng Anh cho dù có thể trẻ còn mắc nhiều lỗi, cần tạo cơ hội tối đa cho trẻ được luyện tập tiếng Anh thông qua việc đưa trẻ vào tình huống cụ thể có ý nghĩa để nói tiếng Anh và luyện các mẫu câu hàng ngày trong giao tiếp, giúp tiếng Anh được tiếp nhận một cách tự nhiên vào trẻ. Chỉ sử dụng tiếng Việt trong các tình huống không thể diễn đạt được bằng trực quan nhằm tạo điều kiện cho trẻ thực hành giao tiếp bằng tiếng Anh. Ví dụ như khi trẻ đang tô màu và vô tình một vài vệt màu dính lên tay, giáo viên có thể lấy một chiếc khăn đưa cho trẻ “Please take this towel” (con hãy cầm cái khăn này), chỉ vào vết màu vương trên tay trẻ “Clean the paint off your arm” (hãy lau sạch vệt màu dính trên tay của con).

3.4. Phương pháp dùng trò chơi

Quá trình cho trẻ làm quen tiếng Anh, giáo viên cần cho trẻ cảm nhận tiếng Anh thay vì tiếp xúc với những thứ phức tạp ngay từ bước đầu. Chính vì vậy, cách tiếp cận từ tâm lý đến ngôn ngữ thông qua việc tổ chức các hoạt động giáo dục vui nhộn trên lớp làm gia tăng cảm giác muốn học ở trẻ.

Đa phần trẻ mầm non thường là đối tượng học ngoại ngữ theo kiểu vận động và cảm giác tiếp xúc. Trẻ thường thích di chuyển và sẵn sàng sờ vào mọi thứ khi học. Vì vậy, các hoạt động cho trẻ làm quen tiếng Anh phải quan tâm đến việc cho trẻ được hoạt động và tương tác lẫn nhau.

Vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ lứa tuổi mẫu giáo. Do vậy, phương pháp hiệu quả nhất khi cho trẻ làm quen tiếng Anh là đưa trẻ vào một môi trường vừa học vừa chơi bằng tiếng Anh thông qua những bài giảng kết hợp với những hoạt động, trò chơi thú vị. Đây là cách học nhẹ nhàng nhưng rất phù hợp và hiệu quả với trẻ. Thông qua việc tham gia các trò chơi, trẻ tập trung nghe và làm theo hướng dẫn một cách tự nguyện, thích thú. Chính yếu tố tự nguyện và thích thú sẽ thúc đẩy trẻ nỗ lực, tích cực hơn trong các hoạt động do giáo viên tổ chức, do đó trẻ hình thành ở trẻ khả năng phản xạ, ghi nhớ tiếng Anh một cách hứng thú, tự nhiên, dễ dàng và bền vững.

3.5. Phương pháp sử dụng các bài hát, bài thơ, câu chuyện

Cần tạo cho trẻ cảm giác làm quen tiếng Anh như một cuộc dạo chơi trong khu vườn mới lạ của âm thanh, là một việc vui vẻ thú vị. Đối với trẻ nhỏ, thơ ca, chuyện kể luôn mang đến những cảm xúc tích cực. Qua những bài hát, bài thơ với lời đơn giản có yếu tố lặp lại kèm theo các động tác giúp trẻ dễ dàng hát theo và vận động trong giờ học, những câu chuyện ngắn với lời thoại dí dóm, ngộ nghĩnh được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, hay những giờ thủ công vẽ tranh, ghép hình và thực hành giao tiếp khi được hỏi về hoạt động mình đang thực hiện… việc làm quen tiếng Anh và phát triển kĩ năng cho trẻ trở nên nhẹ nhàng, lôi cuốn, thú vị, thoải mái và tạo được nhiều bất ngờ, đồng thời luôn tạo được sự háo hức cho trẻ để chờ đợi được đến lớp, được vui chơi và làm quen với tiếng Anh. Thông qua việc đọc thơ, đọc – kể chuyện, đóng vai diễn kịch giúp trẻ nhập tâm với ngôn ngữ tiếng Anh, cảm nhận được âm của từ vựng tiếng Anh, ngữ điệu của câu, dễ dàng làm quen với những từ vựng mới, phát triển ngôn ngữ mạch lạc, tư duy logic cho trẻ. Điều này sẽ giúp cho trẻ cảm thấy thoải mái khi tham gia vào các lớp học ngôn ngữ, tiếng Anh sẽ đến với trẻ một cách tự nhiên giống như khi trẻ học ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ.

3.6. Phương pháp 4 V’s: Variety of activity, variety of pace, variety of organization và variety of voice

Trẻ mầm non thường không có khả năng tập trung dài vào một sự vật, sự việc, hoạt động nào đó. Bởi vậy, giáo viên cần nắm rõ phương pháp 4V để tạo ra những không khí luôn mới mẻ, sự sinh động cho tiết học, đó là: sự đa dạng về các hoạt động; sự thay đổi về tốc độ nói của giáo viên; sự đa dạng về hình thức, cách thức tổ chức các hoạt động, trò chơi; sự đa dạng về giọng điệu khi giảng dạy và giao tiếp với trẻ. Áp dụng kết hợp cả 4 yếu tố đó sẽ giúp trẻ luôn cảm thấy hào hứng, thú vị, thu hút sự tập trung chú ý và duy trì hứng thú của trẻ.

3.7. Phương pháp nêu gương  động viên

Trẻ tiếp thu ngôn ngữ tốt nhất khi trẻ cảm thấy tự tin. Vì vậy, giáo viên cần tạo cho trẻ một môi trường lớp học gần gũi, vui vẻ, an toàn, thân thiện; cần động viên khích lệ và ghi nhận bất kỳ cố gắng nào của trẻ, đưa ra những lời khen, động viên đúng lúc, đúng chỗ. Không bao giờ được làm cho trẻ cảm thấy kém cỏi hay thất bại, tuy nhiên cũng không nên quá lạm dụng lời khen vì sẽ khiến trẻ mất dần sự hào hứng và niềm vui sướng khi được ngợi khen.

3.8. Phương pháp tiếp xúc trực tiếp với người bản ngữ

Tạo cơ hội cho trẻ được giao tiếp với giáo viên nước ngoài trong môi trường học tập ở trường giúp trẻ vượt qua sự sợ hãi khi gặp người nước ngoài, hình thành sự tự tin cho trẻ. Sự tham gia của giáo viên nước ngoài thực sự rất hiệu quả trong việc khuyến khích trẻ phát triển ngôn ngữ mới vì bản thân giáo viên nước ngoài đã rất thu hút sự chú ý của trẻ. Sự có mặt của giáo viên nước ngoài tạo động lực cho trẻ muốn nói tiếng nước ngoài để trò chuyện cùng họ. Giáo viên nước ngoài tiếp xúc và giao tiếp với trẻ với lượng ngôn ngữ phù hợp sức tiếp thu của trẻ (lượng từ vựng phù hợp, tốc độ nói chậm, phát âm rõ ràng, ngữ điệu) cùng với ngôn ngữ cử chỉ và tình huống thực tế sẽ giúp trẻ hiểu những gì giáo viên nói và có khả năng trả lời trong phạm vi khả năng nói tiếng Anh của trẻ. Mặt khác, việc được nghe âm bản ngữ trực tiếp cũng giúp trẻ phát triển kỹ năng nghe hiểu và tiến tới phát âm đúng.

III. KẾT LUẬN

Đối với trẻ mẫu giáo, việc làm quen tiếng Anh hay với bất kỳ ngôn ngữ thứ hai nào khác phải được trải nghiệm một cách tự nhiên. Người lớn cần đặt ra những định hướng mang tính chất “đường dài”, đừng quá kỳ vọng vào những năng lực ngôn ngữ mà đứa trẻ có được tức thì khi làm quen với một ngôn ngữ mới. Tuy nhiên những bước đi chập chững ban đầu này của trẻ hoàn toàn có thể trở thành những bước tiến vững chắc trong tương lai nếu việc cho trẻ làm quen tiếng Anh tuân thủ chặt chẽ các điều kiện cần thiết, đặc biệt là lựa chọn được phương pháp giáo dục phù hợp để giúp trẻ thấm hút nội dung vừa phù hợp với đặc điểm tâm lý, khả năng nhận thức, vừa đáp ứng năng lực tư duy của trẻ./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Kỷ yếu hội thảo khoa học “Tiếng Anh trong trường mầm non, thực trạng và giải pháp”, Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương.
2. Nghiên cứu khoa học và giải pháp cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ, Viện KHGD Việt Nam.